 |
Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cao nhất cả nước. |
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận, với quyết tâm phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với vai trò tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo công tác Khoa giáo của Đảng đã có nhiều tham mưu và phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các mặt công tác để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nội bộ Đảng và của xã hội về chuyển đổi số.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã lựa chọn một số nội dung trọng tâm, có tính chất định hướng để tham mưu; trong đó chú trọng thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, nhất là các tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp… để bảo đảm sự thành công, hiệu quả trong chuyển đổi số ở địa phương.
Đặc biệt, ngay trong thời gian trước Đại hội, khi dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận đã nghiên cứu sâu Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa ra chủ trương, quan điểm về khoa học- công nghệ và chuyển đổi số vào trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó có điểm mới về cách tham mưu đến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là cùng với việc lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết 52-NQ/TW thì trong các kế hoạch thực hiện các chủ trương chung của Tỉnh uỷ đều đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, luôn có các số liệu, nhiệm vụ mang tính định lượng cụ thể để đánh giá tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.
 |
Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ Ninh Thuận về chuyển đổi số là bảo đảm sát chủ trương lãnh đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. |
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận cũng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình ứng dụng và triển khai Khoa học- công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ với vai trò chủ trì thẩm định, sau đó phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, phân tích, đánh giá và xây dựng chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp của 02/08 chương trình; đó là chương trình về nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chương trình về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đây là 02 chương trình mà theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận đánh giá là có vai trò quan trọng, có ý nghĩa nền tảng để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh.
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thành công, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận tiếp tục phối hợp với một số ban ngành tỉnh tham mưu Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cao nhất cả nước. Đồng thời, trong Nghị quyết này, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thể hiện rõ vai trò tham mưu chủ trương cho Tỉnh uỷ thông qua nội dung các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân đối với chuyển đổi số; xác định quan điểm chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cả trước mắt và lâu dài; cần phải kiên quyết, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, chỉ ra yêu cầu cần phải có những hành động quyết liệt, đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp, người dân để bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận, với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban đã bám sát chủ trương lãnh đạo của Trung ương, của Chính phủ về công tác chuyển đổi số để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra phương châm hành động chuyển đổi số của toàn tỉnh trong từng năm; tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xây dựng nội dung nhiệm vụ chuyển đổi số trên từng lĩnh vực; góp ý các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số bảo đảm sát chủ trương lãnh đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Từ chủ đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, sau khi nghiên cứu thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản lãnh đạo, đề ra chủ đề hành động của tỉnh năm 2023 là “Huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển sử dụng dữ liệu số, tăng cường số hoá quy trình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số năm 2023”.
 |
Trung tâm quản lý đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận (tại TP Phan Rang- Tháp Chàm) nguồn nhân lực và vật chất, kỹ thuật luôn được đầu tư đảm bảo phục vụ hoạt động đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. |
Theo đó, có 04 nội dung yêu cầu đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh trong năm 2023. Trước hết là cần lãnh đạo huy động mọi nguồn lực cho chuyển đổi số (vì tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin cũng như năng lực đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp); thứ hai là cần lãnh đạo tập trung phát triển dữ liệu số (bởi đây là nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, vì không thể chuyển đổi số nếu không có dữ liệu số); ba là phải tăng cường số hóa quy trình công tác của các sở ngành (thông qua đó mới xác định được quy trình thừa khi triển khai chuyển đổi số và quy trình nào cần liên kết để kết nối dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia vào chuỗi chuyển đổi số của hệ thống hành chính ở địa phương); bốn là cần phải đặt ra yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số năm 2023 (nhằm thúc đẩy, đôn đốc và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; xem đây là phép thử đối với tính hiệu quả của công tác lãnh đạo và là cơ sở để đánh giá năng lực triển khai chuyển đổi số của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khi đặt yêu cầu có sản phẩm chuyển đổi số trong vòng một năm, trên cơ sở đó để xác định lại cách chỉ đạo, điều hành công tác chuyển đổi số của tỉnh vừa phù hợp với thực tiễn, vừa đề ra nhiệm vụ tiếp theo một cách khả thi, tránh tình trạng chỉ đạo chung chung hoặc đưa ra yêu cầu quá cao so với năng lực thực tại).
Với những nỗ lực tham mưu trên, đến nay qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiều kết quả tích cực liên quan đến chuyển số tại Ninh Thuận đã được ghi nhận. Trong đó, kết quả tích cực hết sức quan trọng là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền; tinh thần trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương về chuyển đổi số đã được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 100 các cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; có 65 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn được thành lập với 840 thành viên tham gia (đạt 100%) và 381 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu phố với 1.599 thành viên (đạt 100%); các cấp ủy đảng trong toàn tỉnh đều ban hành hướng dẫn tuyên truyền và chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số; đã có hơn 65% các cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch chuyển đổi số và kế hoạch phát động phong trào thi đua chuyển đổi số năm 2023...
Từ những nỗ lực và trách nhiệm của đơn vị, các tham mưu và kết quả thu được trên lĩnh vực chuyển đổi số tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Ninh Thuận thời gian qua cho thấy vai trò hết sức quan trọng của công tác tham mưu này. Từ những tham mưu đó đã thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời qua đó đã góp phần đưa chuyển đổi số trở thành xu thế phát triển, là động lực và là một trong những đột phá để Ninh Thuận tiếp tục ổn định, phát triển./.