Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
Chiều 10/7/2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Hội nghị được truyền trực tuyến tới các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh và các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 tỉnh.
Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận
Theo các báo cáo tại Hội nghị, về tình hình chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024, đối với dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) tăng trưởng 26% so cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so cùng kỳ.
Về quản trị số: Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam. Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so cùng kỳ năm 2023.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia năm 2024: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 104,9%). Triển khai dịch vụ công thiết yếu: 43/53 dịch vụ (đạt tỷ lệ 81,1%).
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ: 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 9 bộ so với cuối năm 2023) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 26 tỉnh, thành phố so với cuối năm 2023) có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với Hệ thống EMC, đạt tỷ lệ 97,6%.
Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: 15/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, đạt tỷ lệ 91,8%.
Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động: 256/tổng số 896 thôn, bản lõm sóng, có điện; đạt tỷ lệ 28,6%.
Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 85 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; triển khai nhiều tiện ích số cho người dân, doanh nghiệp trên VneID. Đến nay, đã có 16,4 triệu tài khoản và 51,6 triệu hồ sơ được nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 43/53 dịch vụ công thiết yếu, riêng 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 đã tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội 3.500 tỷ đồng/năm.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 04 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.
Triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), nền tảng kho dữ liệu dùng chung để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định. Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh đã đưa vào vận hành và kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ; nền tảng Trợ lý ảo được triển khai thí điểm để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công toàn trình. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai kết nối thành công với Cổng dịch vụ công của tỉnh theo Đề án 06, đảm bảo đúng thời gian quy định. Kết quả 53 Dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực (đạt 88,9%), tăng 15,14% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối liên thông 4 cấp Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai, liên thông văn bản 4 cấp, việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 99,27% cấp tỉnh, 95,91% cấp huyện và 96,72% cấp xã (vượt chỉ tiêu theo quyết định 749/QĐ-TTg). Cổng Dịch vụ công tỉnh được triển khai 858 dịch vụ công toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 841/858 đạt 98,02%, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 123.290 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt 77,47%, đồng bộ trạng thái lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 90,91%. Đã ban hành danh mục Dịch vụ công toàn trình và một phần theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP.
Kinh tế số, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, tỷ trọng kinh tế số đạt 9,53% GRDP của tỉnh. Hoạt động thương mại điện tử, thương mại số từng bước được tăng cường; 100% doanh nghiệp đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Hệ thống quản lý giáo dục được triển khai với 526 trường/4.584 lớp/135.076 học sinh; Tổng số Hồ sơ sức khỏe đã được làm sạch, cập nhật dữ liệu khám chữa bệnh là 587.028 hồ sơ, đạt 89,6% và có 17/72 cơ sở y tế cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; triển khai thu nhận và cấp tài khoản định danh điện tử đến nay, đã có trên 49.424/68.774 tài khoản đạt 71,86%. Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 153.871 tỷ đồng, chiếm 74,8%, tăng 52.542 tỷ đồng (+51,9%) so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 95%. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở cấp xã, thôn/khu phố (814 xã phường với 444 tổ thôn với 2413 thành viên) góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Công dân số từng bước được hình thành và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc hoàn thiện thể chế, việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia, việc phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu”. An ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cắt giảm thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều...
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số, qua đó yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Kế hoạch hành động của Ủy ban Quốc gia và các chiến lược về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, dữ liệu số, trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu trong chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024, trong đó 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Về nhiệm vụ tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục hành chính, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7/2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong tháng 7/2024. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các Phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực phụ trách; đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp.
Mặt khác, cần rà soát, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử; phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh. Các ngành chức năng sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công thiết yếu còn lại, nhất là tích hợp, công bố nhóm thủ tục hành chính đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 175/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên. Bộ Xây dựng đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản. Bộ Tư pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp như cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Kế hoạch triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân, hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính.
Trước tình hình tấn công mạng trên thế giới và trong nước gia tăng mạnh thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hàng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền về khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06./.
Như Ngọc